Văn hóa doanh nghiệp

Văn hóa doanh nghiệp là gì?

       Văn hóa doanh nghiệp là tổng quan hòa hợp giữa các giá trị cơ bản: đạo đức, triết lý kinh doanh, quy định hành vi trong doanh nghiệp, ý tưởng, tầm nhìn, nhiệm vụ của doanh nghiệp, các chính sách và chế độ cho nhân viên. Và những giá trị đó được tập thể doanh nghiệp (bao gồm cấp lãnh đạo và nhân viên) đồng chấp thuận.

       Cốt lõi cho một nền tảng văn hóa doanh nghiệp chính là tinh thần và các quan điểm, tư tưởng của doanh nghiệp. Nó sẽ giúp phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp vững mạnh. Đó cũng là nhiệm vụ cuối cùng mà doanh nghiệp cần đạt được.

vanhoadoanhnghiep.jpg

Khởi nguồn của văn hóa doanh nghiệp

         Có thể xem văn hóa doanh nghiệp được bắt đầu từ Mỹ. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là nơi phát triển và cải thiện văn hóa doanh nghiệp hiệu quả hơn cả. Và đặc điểm khởi nguồn của văn hóa doanh nghiệp ngoài tư tưởng, quan điểm và tinh thần doanh nghiệp; còn dựa vào các đặc điểm dân tộc của mỗi quốc gia. Chính vì vậy dù Việt Nam học hỏi văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản, nhưng văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn có sự khác biệt. Chỉ có như vậy văn hóa doanh nghiệp tại mỗi quốc gia nói chung và tại doanh nghiệp nói riêng sẽ phát huy tối đa hiệu quả.

Cần hiểu gì trong văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam

        Sự đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành qua hàng ngàn năm văn hiến. Nhờ sự ảnh hưởng của các nền văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và văn hóa Phương Tây, văn hóa dân tộc Việt Nam trở nên đa dạng và màu sắc. Qua nhiều thời kỳ gây dựng đất nước và kháng chiến chống giặc, Việt Nam có các giá trị bản sắc văn hóa thấm nhuần trong tư tưởng, hành vi bản thân đậm nét, tạo ra tinh thần cộng đồng Việt Nam không thể lẫn với dân tộc khác.

      Ngoài ra, trải rộng trên đất nước Việt Nam là 54 dân tộc anh em, với thứ tiếng và văn hóa vùng miền khác nhau. Điều này càng góp phần làm đa dạng màu sắc của bản sắc dân tộc. Và trên hết, ở mỗi thời kỳ, dân tộc Việt Nam lại có được những giá trị văn hóa và tư tưởng khác nhau, thể hiện rõ rệt ở mỗi một thế hệ trong gia đình người Việt.

Ưu, nhược điểm cần khắc phục 

        Văn hóa dân tộc Việt Nam từ xưa tới hiện đại luôn giữ vững các đặc điểm nổi bật sau: coi trọng tư tưởng nhân bản, yêu hòa bình, luôn hướng tới sự hòa hợp, có tinh thần cầu tiến cầu thực, có ý chí phấn đấu, tự cường tự lực để vươn lên. Nó là những ưu điểm mà văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải phát huy triệt để trong doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực và năng suất làm việc của nhân viên.  

           Những mặt hạn chế trong tư tưởng văn hóa dân tộc Việt Nam mà doanh nghiệp cần cải thiện bao gồm: dễ hài lòng với cuộc sống hiện tại (nghèo hay giàu); dễ thỏa mãn với những lợi ích trước mắt, không muốn cạnh tranh sợ mích lòng, vẫn còn thấm sâu tư tưởng “trọng nông khinh thương”, phấn đấu chỉ vì hữu danh vô thực, “vinh thân phì gia”,…

         Người Việt còn bị tư tưởng ngại thay đổi, không dám đổi mới, vượt ra khỏi “vùng an toàn” để đạt được sự phát triển cao hơn, còn cổ hũ trong việc tôn sùng kinh nghiệm và thói quen thủ cựu. Nó sẽ làm ảnh hưởng khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp, cản trở doanh nghiệp hội nhập và thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu. Doanh nghiệp khó có thể đột phá, phát triển kinh tế và vị trí doanh nghiệp lên tầm cao mới.

Bốn đặc điểm nổi bật trong văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam

        Đầu tiên đó là tinh thần tập thể trong văn hóa doanh nghiệp tai Việt Nam. Toàn thể doanh nghiệp gắn kết và hỗ trợ nhau, xây dựng nên quan điểm đạo đức chuẩn mực trong văn hóa doanh nghiệp.

      Tiếp theo đó là tính quy phạm. Văn hóa doanh nghiệp không phải chỉ xây dựng trên ý thức và cam kết của nhân viên. Các cam kết đó sẽ được chuyển thành các văn bản, quy định và chính sách cụ thể. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần lắng nghe các mâu thuẫn từ phía nhân viên, cố gắng giải quyết để xóa bỏ các xung đột.

vanhoadoanhnghiep3.jpg

      Thứ ba là tính độc đáo trong từng văn hóa doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau. Tùy theo vùng miền, bản sắc dân tộc, tập quán tạo ra nền văn hóa doanh nghiệp độc đáo. Các doanh nghiệp cần có bản sắc độc đáo khác nhau, không để bị nhầm lẫn.

      Thứ tư là đảm bảo tính thực tiễn khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Các văn bản, quy định và trải nghiệm cần được thử nghiệm và kiểm chức thực tế. Từ những đánh giá và kết quả, việc cải thiện các vai trò và mục tiêu văn hóa doanh nghiệp sẽ mang lại ý nghĩa cao hơn, tốt hơn.

5 phương diện trong phát triển văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam

1. Lấy con người làm trung tâm xây dựng văn hóa doanh nghiệp

       + Xây dựng tinh thần trách nhiệm, phát huy tinh thần làm việc tích cực và chủ động của nhân viên

      + Tăng nhận thức về các giá trị tinh thần trong văn hóa doanh nghiệp, trở thành nhận thức chung của toàn thể doanh nghiệp.

      + Đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng, tạo nền văn hóa doanh nghiệp, hành vi ứng xử tốt đẹp. Nó giúp nâng cao tinh thần làm việc, hợp tác giữa nhân viên, quản lý. Đồng thời trình độ nghiệp vụ nhân sự cũng được cải thiện.

      + Các chính sách và chế độ thưởng phạt cần công khai và minh bạch. Cần có cơ chế khen thưởng, đãi ngộ với những nhân viên có cống hiến lâu năm, xứng đáng với công sức họ bỏ ra.

2. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với mục tiêu kinh doanh

      Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cần phát huy được tiềm năng của doanh nghiệp trên thị trường. Các doanh nghiệp trở nên chủ động và linh hoạt, tự chủ trong phát triển cạnh tranh linh động và thực tiễn. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm củng cố đội ngũ nhân sự, nâng cao tiềm lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần phải coi nhu cầu thị trường là tiền đề, là điểm xuất phát cho văn hóa doanh nghiệp

3. Quan niệm chăm sóc khách hàng cần ưu tiên hàng đầu

     Doanh nghiệp luôn phải lấy khách hàng làm trung tâm, lấy tiền đề phục vụ khách hàng là ưu tiên đầu tiên, sau đó mới là doanh thu để phát triển doanh nghiệp lâu dài và bền vững.

      Thu thập ý kiến và phản hồi từ khách hàng để xây dựng đội ngũ nhân viên và cải thiện chất lượng sản phẩm, thương hiệu.

4. Tăng cường ý thức về đạo đức, quan tâm đến an sinh xã hội

      Trong thời đại hiện nay, các vấn đề về sản phẩm “xanh- sạch” luôn nằm trong nhận thức của người tiêu dùng. Và nó cũng là định hướng các giá trị mới cho sản phẩm trên toàn thế giới. Các vấn đề mà doanh nghiệp tại Việt Nam đối mặt là ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên thiên nhiên.

vanhoadoanhnghiep4.jpg

      Văn hóa doanh nghiệp cũng cần hướng tới các vấn đề an sinh xã hội. Bắt đầu giải quyết từ cách xây dựng môi trường làm việc an toàn sẽ mở rộng ra phát triển xã hội. Định hướng của phát triển là phải kết hợp một cách hữu cơ sự phát triển của doanh nghiệp với tiến bộ của loài người nhằm bảo đảm sự phát triển doanh nghiệp một cách liên tục, ổn định, hài hòa.

5. Văn hóa doanh nghiệp cần xây dựng tinh thần trách nhiệm xã hội

      Chúng ta nên hiểu văn hóa doanh nghiệp là một cộng đồng thu nhỏ của văn hóa xã hội. Văn hóa doanh nghiệp cần xây dựng ý thức cho nhân viên về việc hành động ý thức và trách nhiệm với xã hội. Ví dụ như ủng hộ, tài trợ cho sự nghiệp về giáo dục, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… cũng như các hoạt động củng cố và phát triển khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong doanh nghiệp. Nó sẽ giúp doanh nghiệp trở nên gần gũi và thân thiện hơn với cộng đồng xã hội.

Nguồn: Aquaone Hậu Giang sưu tầm